Ngày nay, laptop không còn xa xỉ - chúng đã trở nên cần thiết để tiến hành công việc kinh doanh, tham gia các lớp học và để duy trì kết nối với những người thân.
Mặc dù có laptop nào cũng tốt hơn là không có, nếu bạn chưa từng mua laptop trước đây, bạn có thể không biết bắt đầu từ đâu. Trên thực tế, nếu chọn sai máy, bạn có thể phải nhận lấy một chiếc laptop không đáp ứng được nhu cầu của mình, gây lãng phí và ảnh hưởng đến công việc của bạn.
Ngoài ra, hiện nay khi có quá nhiều các thương hiệu laptop cùng mẫu mã, mức giá thì việc tìm kiếm cho mình một chiếc máy sao cho phù hợp nhất với túi tiền và nhu cầu của mình cũng trở thành một việc hết sức khó khăn. Một yếu tố khác là các laptop thường khác nhau về tính năng dựa trên phân khúc của mình, ví dụ như một laptop để chơi game sẽ rất khác so với một laptop văn phòng.
Dưới đây là những kiến thức và hướng dẫn cơ bản để bạn có thể chọn được cho mình một laptop phù hợp nhất với sở thích và nhu cầu của mình.
Chọn macOS, Windows hay hệ điều hành khác?
Hệ điều hành (HĐH) là tiêu chí đầu tiên bạn nên cân nhắc cho một chiếc laptop. Trong khi trong lịch sử sự lựa chọn này thường xoay quanh macOS của Apple hay Windows của Microsoft, Chrome OS của Google gần đây đã trở thành một lựa chọn thay thế đáp ứng cho những nhu cầu sử dụng với mức giá bình dân hơn.
Trong khi macOS chỉ được cấp phép trên những máy tính của Apple (gọi chung là máy Mac), một số lượng phong phú các máy tính có thể chạy Windows, còn Chrome OS phổ biến nhất trên các laptop giá rẻ. Ngoài ra còn có các HĐH Linux đôi khi được cài sẵn trên các laptop mới. Những HĐH này có những ưu điểm về chi phí, bảo mật, tính năng và hiệu suất, nhưng ít phổ biến.
Windows
Digital Trends
Máy tính chạy Windows là một danh mục vô cùng đa dạng. Với hàng chục nhà sản xuất sản xuất, chất lượng và giá cả có thể khác nhau rất nhiều tùy thuộc vào kiểu máy và thương hiệu bạn chọn. Những mẫu mã nhanh nhất sẽ có hiệu suất hơn Mac và nhiều công ty tùy biến những laptop Windows cho một mục đích cụ thể, chẳng hạn như chơi game hoặc kinh doanh.
Những laptop chạy Windows có rất nhiều kích thước và thiết kế. Thiết kế kinh điển và phổ biến nhất là dạng thức vỏ sò với một phần là màn hình, phần còn lại là bàn phím, touchpad và các chi tiết bên trong. Những laptop này cũng có thể có màn hình cảm ứng kể cả với mức giá thấp, một thứ Apple chưa trang bị trên một chiếc MacBook nào.
Ngoài thiết kế vỏ sò, các máy Windows có những thiết kế khác như màn hình gập hay bàn phím có thể tháo rời và chúng đang trở nên phổ biến hơn. Một số thiết kế và tính năng đặc biệt, mang tính sáng tạo cao cũng có thể thấy trên các máy Windows, ví dụ như màn hình phụ bên dưới bàn phím hay bản lề nâng. Những điều này không có trên những máy MacBook vốn chỉ có thiết kế vỏ sò truyền thống.
Về mặt phần mềm, có lý do mà Windows là hệ điều hành máy tính phổ biến nhất thế giới. Chủ yếu trong đó là việc Windows được cập nhật thường xuyên và chạy được nhiều phần mềm nhất. Các nhà phát triển phần mềm thường xem Windows là tiêu chuẩn cho các sản phẩm của họ. Trên thực tế, có rất nhiều phần mềm đặc thù, nhất là cho mục đích cụ thể của doanh nghiệp, chỉ có thể chạy trên Windows. Windows cũng là hệ điều hành cho game, khi các HĐH khác có khả năng chơi game rất hạn chế.
macOS
Apple luôn bảo vệ thương hiệu của mình, phát hành các sản phẩm của mình rất cẩn thận. Bất kỳ sản phẩm nào của Apple cũng sẽ tuân theo các tiêu chuẩn của hãng, trong khi bất kỳ nhà sản xuất nào cũng có thể tạo ra một máy tính chạy Windows hoặc Chrome OS với các thông số kỹ thuật riêng biệt. Kết quả là các máy Mac rất thân thiện và ổn định. Và bởi vì chúng được tối ưu từ phần mềm đến phần cứng, đến từ cùng một hệ sinh thái, mạng lưới hỗ trợ tài nguyên của Apple có thể dễ dàng trợ giúp mọi vấn đề phát sinh.
Chất lượng thiết kế và chất lượng phần cứng là điểm nhấn của các máy Mac. Các máy Mac thường được thiết kế sang trọng và nhỏ gọn, trong khi phần cứng nhanh và ổn định. Các máy Mac có hiệu suất cao, thường có thể chạy tốt qua nhiều năm mà không có hoặc có rất ít lỗi. Tuy nhiên điều này dẫn đến giá thành của những chiếc máy của Apple là rất cao so với cấu hình và so với các máy Windows. Đó là chưa kể phần cứng của Apple thường đòi hỏi các phụ kiện đắt tiền và có khả năng nâng cấp rất hạn chế hoặc bằng không, khiến bạn không thể nâng cấp lâu dài - bạn chỉ có thể đổi sang máy mới hoặc chọn phiên bản cấu hình cao ngay từ đầu.
Các tiêu chuẩn thiết kế nghiêm ngặt của Apple cũng áp dụng vào macOS. HĐH này đơn giản và trực quan, không giống như Windows, nền tảng này bao gồm một bộ phần mềm văn phòng và phần mềm chỉnh sửa đa phương tiện độc quyền, và mỗi ứng dụng đều phù hợp với nhiệm vụ của nó. macOS cũng ổn định (ít lỗi) và bảo mật hơn Windows. Không những vậy, macOS có một số đặc trưng khiến MacBook là những chiếc laptop lý tưởng cho “dân” lập trình và phát triển phần mềm. Các máy MacBook cũng rất phù hợp cho những người dùng thiết kế đồ họa và đa phương tiện.
Mặc dù số lượng phần mềm được hỗ trợ không lớn như Windows, macOS có thể chạy nhiều phần mềm cần thiết, chuyên dụng và thương mại và gần đây đã có thể chạy các ứng dụng trên nền tảng iOS.
Cuối cùng, MacBook cũng là một lựa chọn lý tưởng nếu bạn đã quen thuộc và sở hữu các sản phẩm khác của Apple. Vì chung hệ sinh thái, bạn có thể kết nối và tương tác các thiết bị của mình vào laptop của mình một cách đơn giản và hiệu quả. Ví dụ, bạn có thể kết nối iPad vào MacBook của mình để biến nó thành một màn hình phụ cảm ứng. Việc chúng cùng một ngôn ngữ thiết kế cũng sẽ mang lại cho bạn một trải nghiệm đồng nhất hơn.
ChromeOS
HĐH Chrome của Google khác với Windows và MacOS. Dựa trên trình duyệt Chrome, nền tảng này ban đầu tập trung vào các ứng dụng nền web và chi phí thấp. Mặc dù điều này vẫn còn đúng, giờ đây qua nhiều năm phát triển, Chrome OS đã hỗ trợ nhiều phần mềm máy tính để bàn và ứng dụng di động truyền thống hơn, tương tự như các đối thủ của nó.
Nhìn chung, phần cứng rẻ cùng với sự đơn giản và tính bảo mật cao của Chrome OS, Chromebook lý tưởng cho các trẻ nhỏ, trường học, các tổ chức khác và những khách hàng chỉ cần một chiếc laptop cho nhu cầu duyệt web, văn phòng và các ứng dụng đơn giản.
Phần cứng
Phần cứng sẽ quyết định hiệu năng và các tính năng bên ngoài của một chiếc laptop. Phần cứng càng mạnh thì chiếc máy càng đắt. Do đó bạn cần chọn phần cứng sao cho nó phù hợp với nhu cầu của mình, tránh lãng phí.
CPU/Bộ xử lý
FreeImagesLive
Được coi là bộ não của máy tính, chip CPU (hay bộ xử lý trung tâm) đảm nhiệm chức năng xử lý tất cả các lệnh mà nó nhận được từ phần cứng và phần mềm chạy trên máy tính. CPU càng tốt thì xử lý các tác vụ tính toán và chỉnh sửa dữ liệu càng nhanh và càng hiệu quả. Tốc độ của CPU thường được đo bằng tốc độ xung nhịp. Tuy nhiên, tốc độ xung nhịp không nói lên tất cả, hiệu năng của nó còn phụ thuộc vào các yếu tố khác như số nhân, số luồng, bộ nhớ đệm,… Đối với một CPU bất kỳ bạn có thể tra mã của nó (như i5-8250U) vào tìm kiếm web để có thêm thông tin và so sánh các lựa chọn của mình.
Nhìn chung thị trường CPU được thống trị bởi Intel và AMD, mặc dù AMD ít có mặt trên laptop hơn. Những dòng CPU phổ biến nhất và mới nhất của Intel hiện nay là Core i3, i5, i7, i9 hiện đang ở thế hệ thứ 10 và 11, với tốc độ tương ứng. Trong khi đó AMD đã ra mắt dòng Ryzen 4000 - những con chip thế hệ thứ 3 của hãng, mang lại hiệu năng cao hơn so với Intel nhưng số lượng laptop mang những CPU này còn hạn chế.
Những dòng CPU mới nhất luôn là lựa chọn tốt nhất khi có thể. Nếu chi phí không cho phép bạn cũng không nên lựa chọn các thế hệ chip quá cũ. Thêm vào đó nếu bạn không làm việc gì rất nặng như biên tập video thì các CPU tầm trung là một lựa chọn lý tưởng cho hiệu suất và giá cả, ví dụ như i5 thế hệ 8 hay i3 thế hệ 10 có thể đáp ứng nhu cầu của hầu hết mọi người.
RAM
Wikipedia
RAM là bộ nhớ với tốc độ nhanh hơn rất nhiều lần so với bộ nhớ lưu trữ nhưng không có khả năng lưu dữ liệu mà không có điện. Do đó RAM được dùng để lưu trữ những dữ liệu mang tính tạm thời cho mục đích truy xuất tức thì.
Mọi tác vụ máy tính đều cần RAM để lưu trữ dữ liệu tạm. Về cơ bản, một máy tính có càng nhiều RAM thì càng nhiều phần mềm có thể chạy cùng lúc và các phần mềm cũng có thể chạy nhanh hơn khi có nhiều bộ nhớ đệm cho nó hơn. Tốc độ RAM cũng là một yếu tố, tốc độ RAM đồng nghĩa với tốc độ truy xuất dữ liệu trong RAM.
8GB RAM là dung lượng RAM lý tưởng cho mọi người hiện nay. Trên thực tế, bạn gần như không nên mua laptop với dung lượng RAM ít hơn 8GB mà không có khả năng nâng cấp. Ngoài ra bạn cũng nên cân nhắc 16GB RAM nếu bạn chạy nhiều ứng dụng nặng hoặc làm công việc tạo nội dung. Một số laptop không hỗ trợ nâng cấp RAM, với những laptop này bạn nên cân nhắc chọn cấu hình có dung lượng RAM cao để đáp ứng nhu cầu sau này.
Bộ nhớ lưu trữ (Ổ cứng)
Wikimedia Commons
Khác với RAM, dữ liệu lưu trong bộ nhớ lưu trữ không bị mất đi nếu mất điện và cũng không nhất thiết luôn phải được truy cập. Ổ cứng là nơi lưu mọi dữ liệu của bạn và của hệ thống. Hai yếu tố chính cần quan tâm về ổ cứng khi chọn mua laptop là dung lượng và tốc độ.
Có hai loại ổ cứng được sử dụng - HDD và SSD.
So với SSD, ở cùng một mức giá, HDD có tốc độ chậm hơn, nhưng dung lượng lớn hơn. Tuy nhiên với sự phát triển của công nghệ, SSD đã trở nên rẻ hơn trước nhưng vẫn mang ưu điểm vượt trội về tốc độ và tính di dộng. Nhiều laptop mới hiện nay được trang bị SSD khi xuất xưởng.
SSD cải thiện tốc độ của máy tính rất nhiều so với HDD, tốc độ của bộ nhớ lưu trữ càng nhanh thì hệ thống sẽ đọc và ghi dữ liệu của các ứng dụng càng nhanh cũng như dữ liệu của người dùng cần nạp vào các ứng dụng để xử lý. Hơn nữa ổ cứng cũng sẽ là nơi hệ thống lưu dữ liệu tạm khi RAM đầy.
Lời khuyên cho người mua laptop đó là hãy chọn laptop có sẵn SSD, với dung lượng tối thiểu là 256GB. Nếu cần nhiều dung lượng để lưu trữ dữ liệu của mình, bạn có thể gắn thêm ổ HDD (nếu máy hỗ trợ), sử dụng ổ cứng gắn ngoài, hoặc/và sử dụng các dịch vụ lưu trữ đám mây.
Đồ họa
Bộ xử lý đồ họa (Graphics Processing Unit - GPU), hay được gọi là card đồ họa, là một con chip mà tạo ra toàn bộ hình ảnh bạn nhìn thấy trên màn hình. Card đồ họa mạnh hơn sẽ có thể xuất hình ảnh với độ phân giải cao hơn, tốc độ khung hình cao hơn và xử lý các tác vụ thiết kế, chỉnh sửa đồ họa, đa phương tiện nhanh hơn.
Hầu hết các laptop thuộc phân khúc thấp - trung đều có card đồ họa tích hợp vào CPU, trong khi những mẫu laptop cao cấp hơn sẽ có một card đồ họa riêng biệt với hiệu suất cao hơn, thường được gọi là card đồ họa rời. Những card đồ họa rời, khác với tên gọi của nó, thường không thể tháo ra khỏi máy tính vì nó được tích hợp trên bo mạch. Nvidia và AMD là hai hãng sản xuất chính cho các card đồ họa này.
Card đồ họa rời chỉ cần thiết cho những người dùng có nhu cầu xử lý đồ họa/đa phương tiện hoặc chơi game. Ngoài ra một chiếc laptop với card đồ họa tích hợp là đủ với mọi người.
Âm thanh
Trừ một số dòng laptop có hệ thống âm thanh tốt như HP Spectre hay MacBook Pro, hầu hết các laptop chỉ được trang bị vừa đủ hoặc tối thiểu. Tuy nhiên, hầu hết laptop đều có cổng tai nghe để bạn có thể kết nối các thiết bị âm thanh theo ý của mình.
Cổng kết nối
Đối với cổng kết nối bạn nên quan tâm chính đến các cổng USB và cổng xuất hình.
Hầu hết các laptop đều có các cổng USB-A để hỗ trợ các thiết bị truyền thống như các thiết bị ngoại vi (chuột, bàn phím) và ổ cứng gắn ngoài. Cổng A có hình vuông và cần đầu kết nối đúng chiều. USB-A trên laptop có thể ở chuẩn 2.0 hoặc 3.0 trở lên, với chuẩn USB 3.0 trở lên sẽ có tốc độ truyền tải nhanh hơn.
Một số laptop có thêm hoặc chỉ có các cổng USB-C. Các cổng này nhỏ hơn, hẹp hơn, tròn hơn cổng A và không phân biệt chiều của đầu kết nối. Chúng thường được tích hợp các công nghệ như Thunderbolt 3, USB 3.2, và DisplayPort. Lợi ích của cổng USB-C đó là bạn sẽ không cần phải xoay đầu kết nối cho đúng chiều và một cổng USB-C có thể đảm nhận nhiều nhiều chức năng cùng một lúc.
Đối với cổng xuất hình bạn nên chú ý laptop mình chọn có các cổng cần thiết cho màn hình hoặc máy chiếu mà bạn sẽ kết nối. Hầu hết các laptop đều có trang bị cổng HDMI. Ngoài ra bạn có thể thấy DisplayPort hoặc USB-C. Các cổng xuất hình cũng sẽ quyết định khả năng và chất lượng xuất hình của máy tính, như độ phân giải và tốc độ khung hình. Một số máy cũng có cổng cũ hơn đó là VGA, nhưng bạn nên coi tính năng này là phụ thay vì ưu tiên nó.
Bạn cũng có thể linh hoạt chuyển đổi giữa các cổng thông qua các adapter và cũng có adapter giúp xuất hình thông qua USB.
Kích thước
Laptop thường có kích thước từ 12 inch tới 17 inch trở lên.
Cụ thể, trong đó:
- Laptop 12 inch trở xuống là các máy nhỏ gọn nhất, phục vụ các nhu cầu cơ bản với giá rẻ.
- Laptop từ 13.3 - 14 inch là các máy cân bằng giữa tính di dộng và không gian làm việc, với hiệu suất đa dạng. 14 inch là kích thước “chuẩn”, phù hợp với hầu hết mọi người.
- Laptop 15 inch mang lại kích thước màn hình lớn hơn và bàn phím thường có phần nhập số riêng. Các laptop này có thể có cấu hình với hiệu suất cao hơn các laptop nhỏ, nhắm đến người dùng cần xử lý nặng như chơi game, xử lý đồ họa, phát triển phần mềm… Bù lại các máy này mang tính di động thấp hơn, không phù hợp để di chuyển nhiều.
- Laptop 17 inch trở lên tương tự các máy 15 inch, với kích thước và hiệu suất cao hơn cho các nhu cầu cao cấp như máy trạm, đồ họa kỹ thuật, chơi game chuyên nghiệp… Theo đó những máy ở kích thước này cũng cồng kềnh và nặng hơn.
Kích thước của laptop thường tương ứng với kích thước của màn hình. Tuy nhiên, với sự phát triển của công nghệ màn hình, ngày nay có rất nhiều mẫu laptop cao cấp có thân hình gọn nhẹ nhưng màn hình lớn do thiết kế tràn viền. Do đó bạn có thể thấy những máy có màn hình 13.3 inch trong thân hình 12 inch trước đó, hoặc 15 inch trong thân hình như 14 inch.
Màn hình
PCMag
Màn hình là một phần rất quan trọng của một chiếc laptop, nó là không gian bạn sẽ nhìn vào hằng ngày. Màn hình cũng ảnh hưởng trực tiếp đến trải nghiệm hình ảnh và hiệu quả làm việc của bạn. Một màn hình tồi còn có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của bạn. Do đó bạn nên chú trọng chọn cho mình một màn hình tốt, miễn là nó không quá chi phí của mình.
Hai đặc điểm chính bạn cần lưu ý đến đầu tiên đó là độ phân giải và tấm nền của màn hình.
Độ phân giải càng cao thì bạn càng có nhiều không gian trên màn hình của mình, và nó cũng sẽ sắc nét hơn. Không gian nhiều hơn sẽ giúp bạn có thể làm việc với nhiều cửa sổ chương trình hơn, các nội dung cũng được hiển thị đầy đủ hơn cho một cái nhìn trực quan hơn. Độ sắc nét sẽ khiến văn bản rất mịn và dễ đọc, cũng như sẽ giúp hình ảnh đẹp và trung thực hơn, trong bối cảnh ngày nay các hình ảnh thường ở độ phân giải rất cao do sự phát triển của điện thoại. Độ phân giải HD (1366 x 768) nên được coi là lỗi thời và bạn nên lấy Full HD (1920 x 1080) làm tiêu chuẩn. Bạn cũng có thể nâng cấp lên các máy có màn hình 2560 x 1600, 3200 x 1800, hay 3840 x 2160 (4K).
Tấm nền sẽ quyết định đặc trưng hiển thị của màn hình. Hai tấm nền phổ biến nhất hiện nay cho màn hình laptop đó là TN và IPS. Các tấm nền TN chỉ được trang bị trên các máy giá rẻ trong khi tấm nền IPS sẽ mang lại màu sắc, độ sáng và góc nhìn tốt hơn TN. Bạn nên ưu tiên tấm nền IPS để có chất lượng hiển thị tốt. Ngoài ra một số laptop cao cấp cung cấp màn hình OLED cho chất lượng cao nhất.
Chất lượng hiển thị còn phụ thuộc vào các màn hình cụ thể được trang bị cho các mẫu mã máy. Bạn có thể tìm hiểu về các thông số màn hình như độ phủ màu, độ sáng, độ tương phản để có thể đánh giá và lựa chọn một laptop có màn hình chuẩn xác cho nhu cầu của mình. Bạn cũng có thể trải nghiệm thực tế các laptop tại cửa hàng
Màn hình cảm ứng trước đây là một tính năng chỉ thấy trên những laptop cao cấp do chi phí phần cứng và tính thực tế. Nhưng về sau sự phát triển của máy tính bảng đã thúc đẩy laptop sử dụng màn hình cảm ứng nhiều hơn cũng như phần mềm hỗ trợ cảm ứng tốt hơn. Các laptop có màn hình cảm ứng hữu ích nhất là các máy 2-trong-1 khi bạn có thể dùng chúng như máy tính bảng. Màn hình cảm ứng cũng tiện lợi trên các máy vỏ sò nhưng bạn nên cân nhắc nếu bạn muốn tính năng này vì màn hình cảm ứng sẽ đắt hơn và tốn nhiều pin hơn so với màn hình thường.
Khả năng kết nối
Tất cả laptop đều có khả năng kết nối Wi-Fi (cho internet) và Bluetooth (cho các thiết bị không dây), chúng chỉ khác nhau ở chất lượng kết nối. Theo đó, Wi-Fi 6 (802.11ax) và Bluetooth 5 lần lượt là phiên bản mới nhất của hai công nghệ kết nối. Wi-Fi 6 cung cấp lưu lượng tối đa cao hơn và kết nối ổn định hơn so với Wi-Fi 5 (802.11ac). Còn Bluetooth 5 cũng cải thiện khả năng kết nối với các thiết bị không dây với khả năng kết nối ổn định hơn, xa hơn, có băng thông cao hơn và ít tốn pin hơn Bluetooth 4.
Pin
Các laptop cao cấp thường có dung lượng pin sử dụng được tầm 8 tiếng trở lên, trong khi các laptop tầm trung khoảng 4-5 tiếng. Mức độ thường xuyên di chuyển và các công việc thực tế của bạn là những yếu tố cần xét đến khi bạn chọn pin cho laptop của mình.
Bạn sử dụng latop của mình cho mục đích gì?
Sau khi đã hiểu qua các chi tiết phần cứng của một chiếc laptop, bạn cần quan tâm đến nhu cầu sử dụng của mình. Các nhà sản xuất thường thiết kế và chia phân khúc laptop theo đối tượng khách hàng.
Bất kể là nhu cầu gì, cấu hình tiêu chuẩn của một chiếc laptop hiện nay nên có màn hình Full HD với tấm nền IPS, 8GB RAM, và ổ cứng SSD 256GB. Chưa tính tới CPU và đồ họa vốn sẽ tùy thuộc vào nhu cầu cụ thể hơn, cấu hình trên không chỉ mang lại hiệu suất và hiệu quả làm việc mà còn có thể sử dụng được lâu dài. Trong trường hợp cần giảm chi phí ban đầu, bạn có thể chọn cấu hình có 4GB RAM nhưng chỉ nên là máy có thể nâng cấp RAM.
Laptop cho học tập - văn phòng.
Về yếu tố cấu hình bạn không cần để ý nhiều vì hầu hết laptop hiện nay đều đủ hoặc thậm chí dư sức sử dụng cho mọi nhu cầu văn phòng của mọi người. Theo đó những chiếc laptop với CPU i3 thế hệ thứ 10 đã mang đủ hiệu năng mà bạn cần.
Tiêu chí quan trọng hơn đối với các máy văn phòng đó là thiết kế và độ gọn nhẹ. Độ mỏng nhẹ rất quan trọng vì nó sẽ giúp bạn khỏe hơn rất nhiều khi phải mang máy đến và đi khỏi nơi làm việc của mình.
Bạn cũng sẽ thoải mái hơn khi phải di chuyển trong công ty để gặp người này người kia, đi họp, hoặc đi thị sát, gặp gỡ đối tác, khách hàng. Điều này cũng tương tự với các bạn học sinh, sinh viên thường xuyên phải di chuyển với máy tính của mình cho các buổi học hoặc hoạt động. Một thiết kế đẹp kèm theo sẽ giúp bạn tăng hiệu quả công việc vì bạn sẽ thấy hứng thú hơn khi sử dụng, và còn thể hiện cá tính của bạn.
Màn hình là một bộ phận quan trọng. Ngoài độ phân giải tối thiểu là Full HD (1080p), bạn có thể lên luôn các mẫu dùng màn hình 4K hoặc 2K cho độ sắc nét và màu sắc tuyệt đỉnh.
Màn hình cảm ứng là một tính năng phụ khá hữu ích, nhất là khi bạn dùng laptop với bàn phím và touchpad thay vì chuột gắn ngoài. Ngoài ra đa số công việc văn phòng không cần màn hình cảm ứng trong khi nó thường đắt hơn và tốn pin hơn, do đó bạn nên xem xét chênh lệch về giá và cân nhắc khoảng chi phí chênh lệch đó.
Với nhu cầu di chuyển cao thì thời lượng pin lâu rất cần thiết. Để chọn pin bạn chọn những mẫu có dung lượng pin cao nhất trong tầm giá của mình là ổn. Pin từ 4-5 tiếng trở lên là đủ tốt.
Hãy test camera và microphone nếu có thể. Hai thành phần này đã trở nên quan trọng hơn trước đây do việc họp từ xa, gọi thoại và video, và làm việc từ xa ngày càng phổ biến hơn, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19. Có ít review về yếu tố này nên nếu có thể bạn có thể test trực tiếp máy tại cửa hàng.
Laptop cho nhu cầu đồ họa đa phương tiện, đồ họa kỹ thuật, và chơi game.
Laptop đồ họa đa phương tiện (multimedia) là các laptop phù hợp cho công việc phân tích hay chỉnh sửa hình ảnh và video.
Laptop đồ họa kỹ thuật nhắm đến các công việc hạng nặng và phức tạp mang tính chuyên ngành cao và có đồ họa tối ưu cho chúng như kiến trúc, thiết kế 3D, phân tích kỹ thuật, tính toán khoa học, trí tuệ nhân tạo. Các laptop này tất nhiên cũng có thể sử dụng cho đa phương tiện với hiệu suất cao hơn.
Laptop chơi game có đồ họa được tối ưu cho game, thường mang thiết kế hầm hố, góc cạnh để đáp ứng cho phong cách của game thủ.
Cho dù bạn chọn laptop theo một trong ba nhu cầu nào thì ba yếu tố quan trọng nhất là CPU, GPU và màn hình.
Nếu bạn chỉ có nhu cầu chỉnh sửa hình ảnh, video nhẹ cho mục đích văn phòng thì một CPU dòng U, kèm với một card đồ họa rời cơ bản là đủ.
Nếu bạn cần chỉnh sửa đa phương tiện chuyên nghiệp, bạn cần chú ý đến một màn hình với độ bao phủ màu cao, CPU dòng H, và một card đồ họa tốt. Điều này cũng tương tự với đồ họa kỹ thuật, với nhu cầu này bạn có thể chọn những máy có card đồ họa Quadro cho hiệu năng cao và tối ưu hơn.